Theo CNN, việc dỡ bỏ lệnh cấm không chính thức trên sẽ giúp quân đội Ukraine đẩy nhanh việc bảo trì và sửa chữa các hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp. Sự thay đổi này sẽ đánh dấu một bước chuyển dịch khác trong chính sách Ukraine của Mỹ, khi Washington đang tìm cách giúp Kiev chiếm ưu thế trước Nga.
Các quan chức nắm được tình hình tiết lộ, việc dỡ bỏ lệnh cấm đang được các quan chức chính quyền thực hiện nhưng vẫn chưa được Tổng thống Joe Biden thông qua. "Chúng tôi vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào và mọi cuộc thảo luận về vấn đề này đều còn quá sớm. Tổng thống hoàn toàn chắc chắn về việc sẽ không gửi quân đội Mỹ đến Ukraine".
Sau khi được phê duyệt, thay đổi trên có thể được ban hành trong năm nay và cho phép Lầu Năm Góc giao hợp đồng cho các công ty Mỹ làm việc ở Ukraine lần đầu tiên kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các quan chức Mỹ hy vọng việc dỡ bỏ lệnh cấm không chính thức sẽ đẩy nhanh quá trình bảo trì và sửa chữa các hệ thống vũ khí đang được quân đội Ukraine sử dụng.
Trong hai năm qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden luôn nhấn mạnh rằng tất cả người Mỹ và đặc biệt là binh lính Mỹ hãy tránh xa tiền tuyến Ukraine. Nhà Trắng quyết tâm hạn chế các mối nguy hiểm đối với người Mỹ cũng như đối với suy nghĩ rằng quân đội Mỹ đang tham gia xung đột ở Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo công dân tránh di chuyển tới Ukraine kể từ 2022.
Kết quả là, các thiết bị quân sự do Mỹ cung cấp đã bị hư hỏng đáng kể trong chiến đấu phải được chuyển tới Ba Lan, Romania hay những quốc gia NATO khác để sửa chữa và quá trình này mất nhiều thời gian. Quân Mỹ cũng sẵn sàng giúp đỡ Ukraine trong việc bảo trì và hậu cần nhưng chỉ thực hiện từ xa, thông qua video chat hoặc điện thoại bảo mật. Hỗ trợ kiểu này sẽ có những hạn chế vì quân Mỹ và các nhà thầu không thể làm việc trực tiếp trên các hệ thống vũ khí.
Các quan chức Mỹ bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc về những hạn chế trong vài tháng qua, khi Nga tiếp tục đạt những thắng lợi trên thực địa và viện trợ mà nước này dành cho Ukraine bị mắc ở Quốc hội. Việc cho phép các nhà thầu Mỹ có kinh nghiệm, được chính phủ tài trợ có mặt ở Ukraine có nghĩa là họ có thể giúp sửa chữa các thiết bị hỏng hóc, có giá trị cao nhanh hơn nhiều.
Các quan chức Mỹ đã về hưu lẫn đương nhiệm nắm được thông tin về việc triển khai các nhà thầu tới Ukraine nhấn mạnh rằng sự thay đổi chính sách sẽ không dẫn tới sự hiện diện áp đảo của các nhà thầu Mỹ như ở Iraq và Afghanistan. Thay vào đó, có thể có từ vài chục tới vài trăm nhà thầu làm việc tại Ukraine cùng một lúc.